Ở bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào, giáo dục và đào tạo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại. Theo đó, nghề dạy học và các thầy cô giáo được xã hội hết sức quan tâm, tôn vinh và coi trọng.
Năm 1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Tại Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, ngày 20/11 hàng năm thực sự trở thành ngày hội truyền thống của toàn dân, chan hòa, thắm đượm nghĩa tình thầy - trò và được tổ chức trọng thể ở khắp các địa phương trong cả nước. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Từ ngàn xưa, trong nếp nghĩ của người dân Việt Nam, nghề dạy học và vị trí người thầy đã được xã hội tôn vinh: “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", đó là những lời nhắc nhở bình dị mà đẹp đẽ thể hiện sự tôn vinh của nhân dân đối với người thầy.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, như cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời...
Những câu nói này đã trở thành nguyên tắc đạo đức, thành giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng, mặc dù trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng và trong kỷ nguyên số đang tăng tốc như hiện nay, xã hội có nhiều biến đổi, nhưng những giá trị và nét đẹp đó vẫn trường tồn cùng với dân tộc.
Năm học 2022 – 2023 vừa qua, các trường đã có nhiều nỗ lực cố gắng và đạt các mục tiêu đề ra.
Trường mầm non: Huy động 100% trẻ đến trường; Đảm bảo chế độ nuôi trẻ, không để xẩy ra bất cứ một sai sót gì trong dạy và nuôi được phụ huynh đồng tình cao.
Trường tiểu học: Xây dựng đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; chất lượng học sinh ngày một tốt hơn; hiện nay nhà trường đang tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền bổ sung các hạng mục để đạt chuẩn theo quy định.
Trường trung học cơ sở: Xây dựng đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; Thi học sinh giỏi xếp thứ 3 cấp huyện, tuyển sinh vào THPT xếp thứ 20/147 trường toàn tỉnh.
Để đạt được những thành tích và kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo trực tiếp Phòng GD&ĐT, Sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền thì vai trò chính là công sức không nhỏ của các thầy cô giáo tại các nhà trường đã luôn nhiệt tình, sáng tạo, yêu nghề, mến trẻ, có trách nhiệm với học sinh, với nhân dân, say mê với sự nghiệp "trồng người".
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ và các ban ngành, đoàn thể xã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới toàn thể các thầy cô giáo đã đưa hết sức mình, cống hiến những đóng góp to lớn để làm cho nền giáo dục xã nhà đạt được kết quả rất đổi tự hào và đáng trân trọng. Và cũng là động lực; niềm tin để các tầng lớp con em xã Nam Phúc Thăng tiếp bước, phấn đấu những thành tích cao trong học tập; nhiệt liệt chào mừng và gửi lời tri ân sâu sắc tới các nhà giáo lão thành, các thầy, cô giáo - những người đã, đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “trồng người” của xã nhà, góp phần xây dựng quê hương Nam Phúc Thăng ngày càng giàu đẹp, văn minh.