Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Đảng ta đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 – ngày Đảng thành lập Mặt trận Thống nhất - để làm Ngày Truyền thống của MTTQ Việt Nam. Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư Hà Phúc Đồng
Trong nhiều năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vào dịp này, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn càng được phát huy, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…, đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xóa dần những tệ nạn trong xã hội… Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức thi đua giữa các thôn, tổ liên gia thực hiện các công trình dân sinh trên địa bàn, giải quyết việc làm, thành lập các tổ giúp đỡ nhau trong sản xuất hay xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc người già yếu, neo đơn… Ngày hội cũng đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, giúp cấp ủy đảng và chính quyền các cấp lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống…
Trao mô hình sinh kế cho người nghèo
Theo định hướng của Ủy MTTQ Việt Nam xã Nam Phúc Thăng việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2023 cần chú trọng một số nội dung như giới thiệu, tuyên truyền về lịch sử truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 93 năm qua; tuyên truyền trong nhân dân hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc; nâng cao ý thức, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chăm lo thiết thực cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, động viên nhân dân đề cao cảnh giác các thủ đoạn mới, tinh vi của các loại tội phạm... Đây là dịp chính quyền địa phương giới thiệu, biểu dương các tập thể hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, gắn với thực hiện các Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Trong những năm qua, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, các khu dân cư trên địa bàn xã đã phát động nhiều phong trào thiết thực, ý nghĩa như xây dựng các tổ, nhóm giảm nghèo bền vững, phong trào nuôi heo đất để thực hiện công tác khuyến học, phong trào “5 không – 3 sạch”, “Gia đình 5 có”, phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, vận động nhân dân chấp hành luật giao thông, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…
Tại Ngày hội, hầu hết các nơi đã vận động sự chung tay, góp sức của người dân, của các cán bộ, đảng viên để trao tặng những phần quà ý nghĩa đến các gia đình khó khăn, các học sinh nghèo hiếu học, tặng các vật dụng để phân loại rác tại nguồn, tặng bình phòng cháy chữa cháy… Và dịp này, chính quyền địa phương cũng có thêm cơ hội lắng nghe các ý kiến phản ánh về những vấn đề thực tế tại khu dân cư như phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông…, với nhiều khía cạnh, từ tầm vĩ mô như chính sách giáo dục, việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…
Để Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc thực sự là một ngày vui và có ý nghĩa như tên gọi “Ngày hội” của nó, cấp ủy và chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp tốt với Ban công tác mặt trận thôn tổ chức Ngày hội nghiêm túc, nội dung phong phú, hình thức sinh động… trong không khí phấn khởi. Cần bố trí nơi diễn ra Ngày hội có không gian hợp lý, tránh gò bó hoặc bị nắng soi, mưa ướt; thời gian diễn ra không nên quá dài để người tham dự cảm thấy mệt mỏi; người đến dự không phải chỉ có cán bộ, đảng viên, người được biểu dương và người được tặng quà mà phải thu hút được đông đảo bà con nhân dân tham gia và phải được sắp xếp chỗ ngồi phù hợp; các phát biểu cần ngắn gọn, có trọng tâm, gắn với những vấn đề cụ thể của địa bàn dân cư, nhất là các hiến kế, đề xuất cụ thể…; việc đăng ký thi đua nên thực chất, tập trung giải quyết các việc tồn đọng trên địa bàn; tặng quà cần được tổ chức trang trọng, thể hiện rõ sự sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn chứ không phải ban phát, làm ơn…
Suy cho cùng, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là một ngày vui của người dân nên người dân là lực lượng chủ yếu tham gia vào các hoạt động và cũng là đối tượng thụ hưởng của Ngày hội!