Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và tiến tới sản xuất hữu cơ là một xu thế tất yếu, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ, cải thiện chất đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích... Sản phẩm gạo hữu cơ đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người sử dụng
Việc ban hành quy trình sản xuất lúa hữu cơ, hướng hữu cơ nhằm mục đích để cơ qua quản lý nhà nước, cán bộ khuyến nông nắm vững và chỉ đạo thực hiện, người dân áp dụng vào sản xuất, đảm bảo tính đồng nhất, hướng đến sản xuất đạt chuẩn hữu cơ. Quy trình được xây dựng dựa trên kết quả thử nghiệm qua 3 vụ sản xuất liên tiếp tại xã Cẩm Bình.
1. Làm đất, vệ sinh đồng ruộng:
Làm sạch cỏ bờ, xử lý tàn dư thực vật, rơm rạ trên đồng ruộng. Trước khi xuống giống 15-20 ngày đối với vụ Xuân, 7-10 ngày đối với vụ hè bón 2 gói chế phẩm phân hủy gốc rạ/sào sau đó tiến hành cày đất.
2. Kỷ thuật xuống giống, thời vụ
- Đối với giai đoạn chuyển đổi (thường tương đương với hai vụ sản xuất lúa) có thể gieo thẳng, tuy vậy nếu được cấy bằng phương pháp mạ khay máy cấy sẽ đảm bảo các điều kiện về sinh trưởng phát triển của cây lúa, cải tạo đất và quản lý dịch hại tốt hơn. Khi bước vào giai đoạn sản xuất theo quy trình hữu cơ (từ vụ sản xuất thứ 3 trở đi), sử dụng phương pháp mạ khay máy cấy.
- Đối với phương pháp mạ khay, máy cấy:
+ Mạ được gieo trước khi cấy từ 15-25 ngày, tùy theo từng mùa vụ.
+ Mật độ cấy thích hợp: hàng cách hàng 30cm, khóm cách khóm 16-18 cm.
+ Tiến hành làm đất lần cuối, đảm bảo tối thiểu 2 ngày trước thời điểm cấy, để đất lắng bùn, ổn định tính chất vật lý, giúp cây lúa phục hồi nhanh sau cấy.
+ Thời vụ cấy: tùy theo từng loại giống để bố trí thời vụ hợp lý; đối với vụ Hè thu, cần nắm rõ lịch mở nước phục vụ sản xuất để bố trí thời vụ, đảm bảo ưu tiên làm đất nhanh và cấy kịp thời khi có đủ nước.
3. Bón phân: Tính cho 1 sào (500m2 )
* Bón lót:
- Phân chuồng hoai mục: 500 kg
- Phân hữu cơ vi sinh: 50 kg
- Phân hữu cơ khoáng chuyên lúa: 15kg.
Phương pháp bón: Bón sau khi bừa lần cuối để cấy
* Bón thúc:
- Bón thúc lần 1: Sau khi cấy 7-10 ngày trong vụ Hè Thu, 15-20 ngày trong vụ Xuân (Bón phân thúc bén rễ hồi xanh). Bón 10 kg phân hữu cơ khoáng chuyên lúa. Quá trình bón phân kết hợp làm cỏ, sục bùn và tiến hành dặm lúa ở những chỗ khuyết trống.
- Bón thúc lần 2: Sau cấy 18-22 ngày đối với vụ Hè Thu, 25-30 ngày đối vơi vụ Xuân (Bón phân thúc đẻ nhánh): 15kg Phân hữu cơ khoáng chuyên lúa (Đối với vùng sản xuất theo hướng hữu cơ bổ sung 3-5kg NPK 15:5:20).
- Bón thúc lần 3: Sau cấy 35-45 ngày đối với vụ Hè Thu, 45-50 ngày đối với vụ Xuân (bón phân thúc đòng): 10kg phân hữu cơ khoáng chuyên lúa (đối với vùng sản xuất theo hướng hữu cơ bổ sung 3kg kali/sào)
Có thể phun các chế phẩm qua lá nếu cần thiết như phân bón qua lá trước khi lúa trổ 20 ngày.
Lưu ý: Đối với vùng sản xuất hữu cơ, từ vụ sản xuất thứ 3 trở đi, không sử dụng phân bón NPK, bổ sung dinh dưỡng bằng cách tăng lượng phân khoáng dùng cho sản xuất hữu cơ, đáp ứng TCVN 11041-2:2017.
4. Tưới và tiêu nước, quản lý cỏ dại:
Sau khi cấy cho nước vào ruộng từ 2-3cm để quản lý cỏ dại, giữ nước trong ruộng đến khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, tuyết đối không để thiếu nước trong ruộng ở giai đoạn này. Sau bón thúc đẻ nhánh giữ mực nước thập trong ruộng để hạn chế cỏ dại. Trong thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ (khi lúa bắt đầu giao tán), giữ ruộng khô ướt xen kẻ để kích thích cây lúa đẻ nhánh tối đa.
Lúa kết thúc đẻ nhánh thường xuyên giữ nước trong ruộng ở mức 5-7cm bón phân đón đòng.
Trước khi gặt 12 ngày rút nước ra khỏi ruộng để thúc đẩy quá trình chín của cây lúa diễn ra nhanh hơn.
5. Phương pháp phòng trừ dịch hại:
Phòng trừ dịch hại theo IPM: Áp dụng nhiều biện pháp nhằm quản lý dịch hại ở mức thấp nhất, chỉ dùng thuốc BVTV sinh học hoặc các loại thuốc thảo mộc khi cần thiết và theo nguyên tắc 4 đúng: đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách (Dưới sự hướng dẫn của TT ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi hoặc Cán bộ kỷ thuật Công ty liên kết sản xuất, theo hướng dẫn trên bao bì của Công ty sản xuất).
6. Thu hoạch:
Khi lúa chín (khoảng 85-90%) hạt lúa trên bông chuyển sang màu vàng mơ, tiến hành thu hoạch. Sử dụng máy gặt đập liên hợp, sau thu hoạch vận chuyển tập kết tại sân phơi, hoặc sấy, khi độ ẩm 14% thì tiến hành quạt sạch lép lửng, để lúa nguội đưa vào kho đóng gói, lưu kho bảo quản.
* Ghi chú: Quy trình hướng dẫn có tính chất tổng quát. Tùy theo tình hình thời tiết, mùa vụ, đất đai, giống, năng suất, định mức đầu tư mà bà con điều chỉnh lượng phân tăng hay giảm cho phù hợp.